Không biết từ bao giờ, dân công sở đã trở nên vô cùng quen thuộc, thậm chí là ám ảnh với từ deadline. Với những người luôn đúng giờ và đảm bảo hoàn thành mọi việc, đây chẳng qua chỉ là một con số! Tuy nhiên, với hội nước đến chân mới nhảy hay quên trước quên sau, deadline lại chính là thời điểm “báo tử” của sự nghiệp! Vậy, nếu bạn trót lỡ gặp phải tình huống quên mất deadline và chưa động một chút gì đến công việc, bạn phải làm sao? Dưới đây chính là gợi ý quy trình giúp bạn sống sót trước cơn ác mộng này.
Bước 1: Không ngụy biện. Thú nhận để được khoan hồng.
Bạn biết đấy, các sếp vốn đã chẳng ưa gì “tin dữ” bạn báo rằng trễ deadline. Nếu bạn còn kèm theo sau thông báo ấy là 1001 kiểu ngụy biện, viện cớ như laptop hỏng, gia đình có việc đột xuất, bạn bị ốm nặng, con mèo nhà bạn cũng ốm, bla…bla…bla thì tin chắc rằng, bạn sẽ nhận ngay một email kiểm điểm hoặc tệ hơn là chiếc “thư cảm ơn” chia tay với công ty đấy. Dù có bất kỳ lí do gì, một người làm việc chuyên nghiệp vẫn luôn có cách giải quyết ổn thỏa thay vì để cho hậu quả xảy ra rồi trình báo lại. Do đó, đừng có dại mà bịa ra một câu chuyện “lâm li bi đát” khi trễ deadline. Bạn nên khai nhận sự thật và chấp nhận mọi lời khiển trách. Sau đó, đợi cho sếp nguôi giận rồi hãy đưa ra cách xử lí cho sự cố này.
Bước 2: Chuộc tội bằng cách đưa ra một deadline khác sớm nhất có thể.
Dẫu sao mọi chuyện đã chẳng thể cứu vãn. Giờ thì bạn khóc cũng chẳng để làm gì. Việc cần thiết nhất sau khi nhận tội đó là chuộc lỗi bằng cách đề nghị một deadline khác ngắn ngày hơn và gấp rút hơn. Nếu như đối tác của bạn hay sếp chấp nhận thời gian này, hãy chắc rằng bạn sẽ làm mọi thứ để không quên deadline lần nữa. Deadline mới không nên quá dài, tốt nhất là ngắn hơn so với deadline cũ để thể hiện sự quyết tâm chữa cháy của bạn! Deadline mới phải nằm trong khả năng hoàn thành của bạn, đừng vội “ảo tưởng sức mạnh” tìm cách cứu vãn tình thế mà quên mất rằng bạn chỉ có một cái đầu và hai cái tay. Sau đó, hãy tăng tốc hết sức có thể và cố gắng hoàn thành công việc sớm hơn hoặc đúng với deadline đưa ra để lấy lại uy tín của bản thân.
Bước 3: Loại bỏ mọi xao nhãng. Đóng cửa tu luyện 77 – 49 ngày.
Khi đã được chấp nhận deadline mới đồng nghĩa với việc bạn đang được giao cho cơ hội thứ hai để chuộc lại mọi lỗi lầm. Đừng tiếp tục “đập vỡ bát cơm” của mình chỉ vì những cám dỗ không đáng có. Hãy đóng cửa tập trung mọi sức lực. Tắt điện thoại. Khóa các ứng dụng tạm thời như Facebook, Instagram, Zalo,… Đã đến lúc chỉ có bạn và chiếc máy tính với các file công việc mở sẵn. Ngoài những sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tắm rửa, hãy chắc rằng thời gian còn lại bạn chỉ dành cho việc “chạy” deadline. Nếu như lần này, bạn hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn dự kiến, biết đâu sếp hoặc khách hàng sẽ tha thứ cho lỗi lầm vì thái độ thành khẩn của bạn đấy.
Bước 4: Đặt ra kỷ luật thép để không tái phạm lần sau.
Dĩ nhiên bước cuối cùng sau khi bạn gửi lại công việc được hoàn thành đó là những lời hứa hẹn và cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, đừng để những lời nói này chỉ là “trót lưỡi đầu môi”. Nếu chỉ hứa suông mà không thực hiện được, bạn chỉ càng “bôi xấu” hình ảnh và uy tín của mình mà thôi. Hãy suy nghĩ những quy định hoặc kỷ luật thép để áp dụng với bản thân. Như một lần trễ deadline, tiền lương của bạn sẽ bị trừ đi bao nhiêu % chẳng hạn. Hoặc nếu quên deadline, cả tháng sau đó bạn sẽ tự “cấm túc” bản thân không vui chơi tụ họp, không trà sữa, shopping. Những quy định và hình phạt đặt ra cho chính mình sẽ giúp bạn cam kết hoàn thành mọi thứ đúng hạn một cách tích cực hơn.
Mỗi ngày bạn không chỉ đảm nhận một deadline. Có khi, deadline dồn dập năm bảy cái ập đến một lần khiến bạn không kịp trở tay, nên quên deadline là chuyện thường tình. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng hoàn thành đúng deadline vẫn tốt hơn là tìm cách chữa cháy sau đó. Deadline chính là cách bạn thể hiện uy tín và thái độ làm việc với cấp trên hoặc đối tác của bạn, hãy chắc rằng bạn luôn sắp xếp các hạn chót và thời gian làm việc một cách cân đối nhất theo thứ tự ưu tiên, để mọi việc luôn được đảm bảo xử lí xong trước giờ “báo tử” nhé.